LUÔN MANG TỚI SẢN PHẨM TỐT ĐẾN MỌI GIA ĐÌNH

Giới thiệu

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, toàn tỉnh có 252 sản phẩm OCOP được xếp hạng 3, 4 sao. Với phương châm phát triển sản phẩm OCOP bảo đảm cả “chất” và “lượng” để nâng cao giá trị, các địa phương và chủ thể tham gia chương trình đã tập trung đầu tư, phát triển bền vững những sản phẩm tiêu biểu.

HTX sản xuất rau, quả an toàn Ngọc Bộ, xã Long Hưng (Văn Giang) áp dụng quy trình VietGAP trong trồng ổi
HTX sản xuất rau, quả an toàn Ngọc Bộ, xã Long Hưng (Văn Giang) áp dụng quy trình VietGAP trong trồng ổi

Những năm gần đây, 100% diện tích trồng ổi của HTX sản xuất rau, quả an toàn Ngọc Bộ, xã Long Hưng (Văn Giang) được áp dụng quy trình sản xuất VietGAP trong trồng và chăm sóc. Ông Ngô Sĩ Thịnh, Giám đốc HTX sản xuất rau, quả an toàn Ngọc Bộ cho biết: Năm 2022, sản phẩm ổi lê Đài Loan của HTX được công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao. Để nâng cao giá trị, phát triển sản phẩm OCOP bền vững, HTX áp dụng nghiêm quy trình VietGAP trong sản xuất như: Sử dụng thuốc trừ sâu thảo mộc, phân bón hữu cơ, vi sinh nên bảo đảm an toàn cho môi trường đất, nước, không khí. 100% sản phẩm ổi được thu hoạch tại HTX bảo đảm chất lượng, không thu mua sản phẩm bên ngoài, không rõ nguồn gốc.

Thời gian qua, cơ sở sản xuất mứt, ô mai Quyến Lưu, xã Phương Chiểu (thành phố Hưng Yên), đã đầu tư trên 3 tỷ đồng mua sắm máy móc, nâng cấp cơ sở để nâng cao chất lượng sản phẩm. Anh Vũ Văn Quyến, chủ cơ sở sản xuất mứt, ô mai Quyến Lưu chia sẻ: Hiện nay, sản phẩm sấu tươi giòn của cơ sở được công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao. Việc được công nhận sản phẩm OCOP như có thêm “tấm vé thông hành” để đưa sản phẩm của chúng tôi có mặt tại hệ thống siêu thị ở trong và ngoài tỉnh, sàn thương mại điện tử. Cùng với đó, cơ sở đăng ký nhãn hiệu bảo hộ để nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường, đề nghị nâng hạng sao đối với sản phẩm sấu tươi giòn.

Qua thực tế sản xuất cho thấy, những năm qua, các chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp máy, thiết bị, ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng đa dạng về mẫu mã, ổn định chất lượng, có đầy đủ mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, một số chủ thể còn tận dụng lợi thế sản phẩm được công nhận OCOP để phát triển thương hiệu, xây dựng uy tín, mở rộng thị trường và tăng doanh thu qua từng năm. Tiêu biểu như: Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên (Khoái Châu); HTX đầu tư sản xuất và thương mại phát triển nấm sạch Việt Tú, Công ty TNHH cộng đồng 18/4 (Kim Động); HTX vải trứng Hưng Yên (Ân Thi)...

Đồng hành với các chủ thể trong phát triển bền vững các sản phẩm OCOP chủ lực, ngành chức năng và chính quyền địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ quản lý nhãn hiệu sản phẩm OCOP, hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, phối hợp tổ chức kỹ năng bán hàng trên sàn thương mại điện tử cho các nhà vườn và chủ thể, xây dựng các điểm giới thiệu và trưng bày sản phẩm OCOP tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh… Ngoài ra, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của tỉnh đặc biệt quan tâm đến các tiêu chí bảo đảm chất lượng, nguồn nguyên liệu, bao bì, nhãn mác của các sản phẩm tham gia chương trình. Qua đó, các sản phẩm OCOP của tỉnh luôn được thị trường đón nhận và có những phản hồi tích cực về chất lượng sản phẩm, giúp các chủ thể mở rộng sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm.

Đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 70 – 100 sản phẩm OCOP được công nhận, 100% sản phẩm OCOP hạng 3 sao được tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử, có ít nhất 50% số chủ thể sản xuất tham gia các kênh bán hàng hiện đại… Khác với giai đoạn trước, từ năm 2023 đến nay, việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP, UBND cấp huyện được giao quyền đánh giá, phê duyệt, công nhận với sản phẩm OCOP 3 sao thay vì cấp tỉnh trước đây.  Điều này giúp các địa phương chủ động lựa chọn sản phẩm tiêu biểu, tiết kiệm thời gian và chi phí thực hiện cho các chủ thể. 

Đồng chí Lê Văn Thắng, Chi cục trưởng Chi cục PTNT khẳng định: Để bảo đảm chất lượng sản phẩm được công nhận, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh sẽ thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra các bước thẩm định; yêu cầu các địa phương cần phát triển sản phẩm OCOP theo hướng thực chất và bền vững, không vì số lượng mà giảm chất lượng; kiên quyết thu hồi công nhận với các sản phẩm không bảo đảm các tiêu chí của chương trình đề ra.

Giỏ hàng

0
0
Giỏ hàng